Trên địa bàn xã Ninh Vân (Hoa Lư) hiện có hai nhà máy xi măng Duyên Hà và xi măng Hệ Dưỡng, trên 80 doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động sản xuất ở các lĩnh vực như: sản xuất xi măng, khai thác, chế biến đá, sản xuất vật liệu xây dựng, chế tác đá mỹ nghệ…
Đặc
biệt, Ninh Vân còn được biết đến với nghề chế tác đá mỹ nghệ nổi tiếng.
Nghề đá mỹ nghệ đã mang lại cho người dân nơi đây cuộc sống no đủ, song
cũng đặt ra cho địa phương nhiều thách thức trong công tác bảo vệ môi
trường, bảo vệ sức khỏe người lao động.
Tính
đến năm 2013, xã Ninh Vân có 453 hộ, 80 doanh nghiệp làm nghề chế tác
đá mỹ nghệ, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hơn 3.000 lao động địa
phương và 1.000 lao động của các địa phương khác. Thu nhập bình quân của
một thợ chính năm 2012 là 6 - 6,5 triệu đồng/tháng, của một lao động
phụ khoảng 4 - 4,5 triệu đồng/tháng, cao gấp 2-3 lần so với các ngành
nghề khác, gấp khoảng 4,5 lần so với lao động thuần nông. Đời sống của
người dân vì thế được cải thiện rất nhiều.
Tuy
nhiên, hầu hết các lao động làm việc trong điều kiện khó khăn. Do tính
chất đặc thù của nghề chế tác đá, người lao động thường xuyên tiếp xúc
với bụi đá, tiếng ồn, làm việc với cường độ cao (thường từ 8-12h/ngày,
có nhiều người làm thêm buổi tối), trong khi đó, ý thức của người lao
động về công tác bảo hộ lao động còn nhiều hạn chế.
Theo kết quả khảo sát của các ngành chức năng, 100% hộ làm nghề chế tác đều khẳng định có trang bị dụng cụ bảo hộ lao động như quần áo bảo hộ chống hóa chất, mắt kính, khẩu trang, giày da bảo hộ lao động
cho người lao động tuy nhiên theo quan sát thì đồ bảo hộ lao động đều
chưa đạt chuẩn, có nhiều lao động chưa nhận thức đầy đủ về vấn đề an
toàn lao động, do vậy trong quá trình sản xuất, nhiều lao động không sử
dụng bảo hộ lao động. Nhiều cơ sở sản xuất không có nhà xưởng, các lao
động làm việc dưới tấm bạt được căng lên, gặp thời tiết xấu như nắng
nóng, mưa… ảnh hưởng lớn tới năng suất cũng như sức khỏe của người lao
động. Đối với các công nhân làm ở các xưởng khai thác đá có nguy cơ tai
nạn nhiều hơn, vì họ phải làm việc trên cao mà không hề thắt dây an
toàn… Do môi trường bị ô nhiễm trầm trọng nên người dân ở đây đang phải
đối mặt với các bệnh về hô hấp, da liễu, mắt. Theo thống kê của Trạm y
tế xã Ninh Vân, trung bình mỗi tháng có từ 600-700 lượt người khám. Các
bệnh thông thường người dân hay mắc phải như viêm da dị ứng, viêm kết
mạc, viêm họng, viêm xoang mũi. Những người trực tiếp làm nghề đá có tỷ
lệ mắc bệnh cao hơn hẳn.
Trước
thực trạng đó, UBND xã Ninh Vân đã triển khai nhiều giải pháp nhằm giảm
thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe cho người lao
động, trong đó xác định công tác tuyên truyền là nhiệm vụ trọng tâm,
nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi cho người lao động. Theo đó,
ngay từ đầu năm, Đài truyền thanh xã đã lên kế hoạch triển khai công tác
thông tin, tuyên truyền về an toàn vệ sinh lao động đến mọi người dân.
Sự hỗ trợ của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội trong công tác truyền
thông và cung cấp tài liệu cần thiết đã tạo điều kiện thuận lợi cho Đài
truyền thanh của xã thực hiện hiệu quả nhiệm vụ. Những tin, bài được xây
dựng đảm bảo cung cấp đầy đủ, kịp thời các thông tin cần thiết trong
quá trình khai thác, sản xuất và chế tác đá như: tuyên truyền, hướng dẫn
một số nội dung về an toàn trong khai thác đá, trong bảo quản, vận
chuyển, xử lý vật liệu nổ và nổ mìn; các giải pháp cắt, xẻ, mài đục đảm
bảo vệ sinh an toàn lao động; hướng dẫn an toàn điện, phòng, chống bụi,
tiếng ồn, các quy định trong quá trình khai thác, chế tác đá; giới thiệu
các phương tiện bảo vệ cá nhân; cách chăm sóc sức khỏe cho người lao
động… Những thông tin tuyên truyền được chọn lọc, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ
nhớ, dễ thực hành về công tác ATVSLĐ nên người dân dễ tiếp thu và tích
cực làm theo.
Bên cạnh
đó, làng đá mỹ nghệ Ninh Vân còn tranh thủ sự hỗ trợ của Cục chế biến
thương mại nông, lâm, thủy sản và nghề muối thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn trong việc triển khai Dự án nghiên cứu, tổ chức, áp
dụng các giải pháp khoa học công nghệ, y học để cải thiện môi trường lao
động, phòng ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp cho người lao
động. Các cán bộ dự án kết hợp với LĐLĐ tỉnh, Trung tâm quan trắc và
phân tích môi trường (Chi cục Môi trường tỉnh) tổ chức các lớp tập huấn
cho các chủ xưởng sản xuất trong xã nhằm nâng cao nhận thức của người
lao động về công tác an toàn lao động, bệnh nghề nghiệp và bảo vệ môi
trường; phối hợp với Trạm y tế xã Ninh Vân tổ chức hội thảo tập huấn về
các biện pháp bảo vệ sức khỏe cho người lao động trong làng nghề. Dự án
cũng đã hỗ trợ các hộ sản xuất các thiết bị bảo hộ cá nhân như: quần áo,
ủng, kính, khẩu trang…
Đối
với các xưởng được chọn làm điểm, các cán bộ dự án đã hỗ trợ lắp đặt hệ
thống hút bụi, làm nhà xưởng bằng phông bạt, hệ thống phun hơi nước,
trồng cây xanh… nhằm cải thiện môi trường làm việc cho người lao động.
Ông
Nguyễn Quang Diệu, Trưởng ban quản lý làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân
khẳng định: Sự hỗ trợ của Dự án đã nâng cao nhận thức của người lao
động, người sử dụng lao động về công tác an toàn lao động, đồng thời góp
phần tích cực trong việc cải thiện môi trường làm việc cho người lao
động. Tuy nhiên, thời gian tới, bên cạnh nỗ lực lưu giữ và phát triển
những nét đẹp, lợi ích từ nghề truyền thống của Ninh Vân, chúng tôi mong
muốn sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, chuyển giao khoa học công nghệ,
những giải pháp nhằm giảm thiểu hơn nữa tình trạng ô nhiễm môi trường
của các cấp ủy đảng, các cơ quan, tổ chức của Trung ương và địa phương.
Có như vậy, làng đá mỹ nghệ Ninh Vân mới phát triển bền vững.
0 Bình luận:
Đăng nhận xét