Hình ảnh những người thợ lò mặc quần áo bảo hộ lao động mầu xanh tím than, đầu đội mũ nhựa bảo hộ lao động, vai đeo bình dưỡng khí, từ lâu đã trở nên thân thiết. Cả những gương mặt lấm lem bụi than, duy chỉ có đôi mắt sáng và hàm răng trắng lóa cũng thân quen với tất thảy mọi người. Họ, những người “ăn cơm dương gian, làm việc âm phủ”. Họ, những người thợ lò, thợ cơ điện làm việc theo ca vào bất kỳ giờ nào trong 24 giờ trong ngày. Họ, còn là những nhà thơ, nhạc sĩ tài hoa của vùng mỏ...
Lúc này đây, họ đang đứng trước chúng tôi, ngay cửa hầm lò hầm hập bụi than. Đó là một ngày nắng nóng tới 40 độ C. 11 giờ trưa. Những thợ lò của Công ty than Nam Mẫu quần áo đẫm mồ hôi. Ngọn đèn trước mũ vẫn tỏa một quầng sáng vàng nhạt. Hỏi một anh trong tốp thợ:
- Ca trực của các chú bắt đầu từ mấy giờ?
- Dạ, mỗi ca là 5 giờ bác ạ. Chúng em thay nhau làm ba ca liên tục.
- Hầm lò sâu bao nhiêu mét, có nóng lắm không?
- Nhiều nơi bây giờ phải làm ở cốt âm hơn 250 mét. Còn ở Nam Mẫu, thì khoảng 50 mét. Mưa hay nắng, ngày hay đêm trong hầm lò vẫn một nhiệt độ tương đối ổn định, quãng độ 26 đến 28 độ C. Cho nên vào hầm mùa này lại khoái hơn ở nhà đấy ạ.
- Có gặp khó khăn nhiều không?
- Dạ, việc làm, thu nhập, nơi ở cũng tạm ổn. Dưng mà đang bị mất cân bằng giới tính đấy ạ.
Rõ là cái chất bộc trực, lạc quan của người thợ. Mấy anh cán bộ đi cùng đều cười, ở đây toàn cánh thợ mỏ nam thôi, phụ nữ rất ít, việc chọn bạn đời trăm năm, vì thế, đang là bài toàn khó ở vùng mỏ. Về công việc sản xuất, Phó Giám đốc Công ty than Nam Mẫu Lê Mạnh Thường giải thích thêm: “Giờ làm việc trong lò mỗi ca khoảng 5 giờ. Thế là đã oải lắm. Thợ lò mỗi tháng làm được 20 công là “dũng sĩ” đường hầm rồi. Toàn công ty chúng tôi có hơn năm nghìn công nhân, thì thợ lò khoảng 2.200. Chỉ có ba bậc thôi, là bậc bốn, năm và sáu. Ra trường là nhận lương bậc bốn. So sánh với quân đội thì, anh em không phải qua cấp “sĩ”, lên “úy” luôn”. “Còn lại là những thợ nào?”. “Là cơ điện lò và một số công việc khác. Cơ điện lò có hơn 900 người. Các vị này thì được hưởng theo năm bậc lương. Khởi đầu bậc ba. Chót vót là bậc bảy. Lương thợ cơ điện cao hơn thợ lò một chút. Thu nhập bình quân toàn công ty hiện giờ là 10,6 triệu đồng/tháng. So với mặt bằng chung, kể cũng là cao. Nhưng vất vả và căng thẳng”.
Vất vả thì ai cũng biết rồi. Còn căng thẳng thì không phải ai cũng hình dung hết. Trong sự căng thẳng ấy, có lẽ đáng nói nhất là những anh em làm ở trung tâm cấp cứu mỏ. Kế đến là những người quản lý. Nỗi lo sập hầm, lở hầm do mưa lũ, cháy nổ khí luôn luôn thường trực. Vào mùa mưa, từ cuối tháng 4 âm lịch đến tháng 8, năng suất và sản lượng khai thác than đều thấp. Và đây cũng là mùa dễ mất ngủ, tóc chóng bạc nhất. Anh em dặn dò nhau, có điện thoại thì nhớ đừng điện sau 9 giờ đêm. Vào những giờ ấy người nghe dễ linh cảm những chuyện chẳng lành! Người ta đã xếp nghề làm than hầm lò là một trong nhóm nghề căng thẳng nhất, cùng với cảnh sát hình sự, cứu hỏa, bác sĩ phẫu thuật… Sự căng thẳng của người làm than còn để lại dấu vết nghề nghiệp trên da thịt. Giám đốc Công ty Nguyễn Văn Thành chỉ cho tôi xem “dấu vết” ấy trên mu bàn tay anh. Đó là hai vết chàm xanh to như hạt ngô, nhìn giống như vết xăm vậy. Vâng, làm than bao nhiêu năm thì đã có “chứng chỉ” trên tay rồi. Còn có những căn bệnh không lưu lại trên da thịt nữa, như bệnh bụi phổi, lao phổi, suy gan, suy thận. Viêm mũi họng thì xem như chạm phải cái gai mồng tơi.
Mấy năm nay, đời sống người thợ mỏ đã khá hơn nhiều. Bữa ăn ca tự chọn được phục vụ tươm tất, có đủ cơm, bánh mì, thịt, cá, rau quả tươi, sữa. Bánh mì do công ty tự làm, vừa ngon, vừa rẻ. Công nhân được tắm nóng lạnh sau ca trực. Nhà tập thể là một khu chung cư bề thế, đủ tiện nghi. Tổng diện tích lên tới gần 33 nghìn mét vuông, với 224 phòng khép kín, bố trí chỗ ở cho gần 1.000 công nhân. Mỗi tháng chỉ phải đóng 150 nghìn đồng phí dịch vụ. Sớm có xe đón đi làm từ nơi ở, chiều có xe chở về.
Nhiều năm qua, Công ty than Nam Mẫu luôn coi trọng công tác an toàn, vệ sinh lao động. Trong đó chú trọng nâng cao chất lượng công giao khoán, quản trị chi phí cho các phân xưởng, giám sát, kiểm tra, nghiệm thu khối lượng. Giữ nghiêm chế độ kiểm soát khí mỏ, thăm dò bục nước và kiểm tra theo các chuyên đề. Tôi hỏi Giám đốc Nguyễn Văn Thành, rằng nếu nói gọn một câu về mối quan tâm lớn nhất của lãnh đạo công ty, thì câu đó là gì? Anh Thành: “Tăng thu nhập và bảo đảm an toàn cho người lao động”. Anh bảo, điều quan trọng là mọi người phải tự giác, luôn luôn chủ động trong việc này. Tự giác, giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương vì nó liên quan đến tính mạng của con người. Đừng có để xảy ra mất an toàn rồi mới họp nhau rút kinh nghiệm. Ở đây, chúng tôi cứ rà đi soát lại các quy phạm an toàn.
Các quy phạm ấy phải được thực hiện nghiêm từ giám đốc, các phó giám đốc tới người thợ. Không ngoại trừ một ai. Giám đốc mà sai cũng phạt. Thí dụ nhé, với người thợ chẳng hạn, nếu anh bớt các động tác, kê chân kích không chắc chắn; hoặc bơm áp lực cho các cột chống thủy lực không kịp thời, chưa đủ áp lực… Rồi việc di chuyển của công nhân trong lò không đúng quy định, vì lò trơn nên có anh còn bám goòng, đi tắt vào đường cấm. Nhiều lắm. Quy phạm an toàn phải rất chi tiết và thường xuyên kiểm tra khi có tình hình mới, thời tiết xấu.
Bây giờ về Nam Mẫu, người thợ mỏ thường bảo nhau, mộc mạc như nhà nông nói chuyện cấy, cày. Cánh mình đang chuyển dần sang làm lò giếng, rồi đây không làm than lộ thiên, không làm lò chợ nữa. Công nghệ khai thác, máy móc thiết bị ngày càng hiện đại, tăng năng suất lao động và bớt nhọc nhằn cho người thợ, ấy là nhờ cơ giới hóa, thủy lực hóa. Nhờ biết đầu tư đúng vào khoa học công nghệ đã làm thay đổi quy mô sản xuất, tăng trưởng đồng bộ từ năng suất lao động, thu nhập, đóng góp vào ngân sách nhà nước. Tổng sản lượng dự kiến sẽ tăng từ 2,1 triệu tấn năm 2012 lên 2,5 triệu tấn vào năm 2015. Như vậy, trung bình mỗi năm lại tăng lên 450 nghìn tấn. Nhưng người đứng đầu công ty đã nói với chúng tôi về triết lý làm than. Rằng than là nguồn tài nguyên không phải là vô hạn, và không sinh sôi. Chúng ta không bao giờ nghĩ đến chuyện khai thác than tận thu. Điều anh em trong ngành lâu năm thường nói với nhau là, phải biết cách làm than, làm sao cho an toàn, không ảnh hưởng tới môi trường, làm sao cho sinh lợi nhuận, làm sao cho đời sống công nhân phát triển, an lành. Và còn điều này nữa, phải lo tròn bổn phận của người quản lý, đừng để nạn than thổ phỉ bày ra trước mắt mà làm ngơ, mà bất lực.
Ngày lại ngày, từ nơi đây, từ trong những hầm lò âm 50 mét kia, vẫn lặng thầm những người thợ đứng gương, bốc xúc, vận chuyển… Hơn năm nghìn mét mới đưa được hòn than ra cửa lò. Sau đó là những công việc tiếp theo như sàng tuyển, gia công, chế biến, để có thể cho ra đời những sản phẩm than cám ba, cám bốn, cám năm…
Ngày lại ngày, những người thợ mỏ vào ca với một triết lý giản dị: Kỷ luật và đồng tâm. Họ lặng lẽ vào ca. Cuộc viễn du trong lòng đất, thời khoa học công nghệ phát triển như vũ bão. Chợt ngân vang những câu thơ của Trần Ninh Hồ. Giọng trầm ấm, anh đọc cho chúng tôi nghe trong lần đi thực tế vùng mỏ mới đây: “Có những cuộc viễn du tính bằng vạn dặm núi rừng/ Vạn dặm trời mây, vạn lý sóng nước /Người thợ lò chỉ dám tính cuộc viễn du của mình bằng tấc, thước/ Vào thẳm sâu lòng đất dễ dàng chi”.
Cần trang bị thêm đôi giày bảo hộ lao động cho các anh yên tâm thêm.
0 Bình luận:
Đăng nhận xét