Bảo Hộ Thiên Bằng

Thứ Sáu, 18 tháng 9, 2015

Cảnh báo vấn đề an toàn lao động trong ngành lắp ráp điện tử tại Việt Nam

Thời gian qua, một số phản ánh về những tác động xấu của ngành công nghiệp điện tử với người lao động như mệt mỏi tức thời, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe sinh sản đã khiến nhiều công nhân lo lắng và các cơ quan chức năng thấy cần phải xem xét về an toàn vệ sinh lao động trong các nhà máy này.

8 
Những nữ công nhân đang làm việc trong môi trường nhiều bức xạ điện từ được trang bị đầy đủ quần áo chống tĩnh điện khi làm việc.
Nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp
Theo bà Ngô Vân Hoài, Trưởng nhóm nghiên cứu của CDI, ở Việt Nam chưa có một nghiên cứu toàn diện về an toàn vệ sinh lao động trong ngành điện tử, cũng như các chương trình nâng cao nhận thức các tác động tiêu cực của ngành này đối với sức khỏe con người và môi trường.

Xuất phát từ thực tế còn thiếu thông tin, CDI đề xuất với Tổ chức Oxfam Bỉ (OSB) tiến hành hoạt động nghiên cứu “Tác động ban đầu về an toàn môi trường và sức khỏe nghề nghiệp trong một số nhà máy sản xuất, lắp ráp điện tử ở Việt Nam”.

Bà Ngô Vân Hoài cho biết, theo kết quả nghiên cứu, điều kiện lao động của ngành sản xuất và lắp ráp điện tử tại Việt Nam đã gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người lao động. Đặc biệt là ở một số công đoạn như sản xuất pin, con chíp, test chức năng, tiếp xúc với các hóa chất nguy hiểm, bức xạ ion hóa và không ion hóa, những công việc căng thẳng, làm đêm với độ dài ca 9-12 giờ… có thể ở mức đặc biệt độc hại, nguy hiểm. Trong quá trình khảo sát, nhiều lao động đã phản ánh việc thường xuyên đau mỏi xương khớp do tư thế làm việc, ù tai, thậm chí suy giảm thị lực từ 10/10 xuống còn 5/10…


5 
Khẩu trang hoạt tính hay mũ bảo hộ phòng sạch là những vật dụng thiết yếu
Một vấn đề đáng lưu ý là thời gian các công nhân gắn bó với công việc này thường ngắn, nguyên nhân là do tâm lý e ngại công việc ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Đa số lao động được khảo sát đều có tuổi nghề dưới 3 năm. Đặc biệt trong tổng số hơn 200.000 lao động trong ngành này, có tới 80-85% là lao động nữ từ 18-30 tuổi. Những lao động này đều đang ở độ tuổi sinh sản nên yêu cầu đảm bảo an toàn lao động lại càng cấp thiết hơn.

Bà Nguyễn Ngọc Ngà, Phó chủ tịch Hội Y học lao động Việt Nam, cho biết hiện nay ở Việt Nam, việc xác định tiêu chuẩn nghề độc hại, bệnh nghề nghiệp được quy định chưa thật sự phù hợp với thực tế của các công việc trong ngành công nghiệp hiện đại. Mặc dù đạt tiêu chuẩn an toàn nhưng nguy cơ bệnh nghề nghiệp vẫn tiềm ẩn trong môi trường làm việc tại các nhà máy.

“Không phải cứ dưới tiêu chuẩn cho phép thì là an toàn. Thực tế, nồng độ hóa chất thấp nhưng tích lũy trong thời gian dài cũng gây nên những hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt là trong ngành công nghiệp điện tử, ngành sử dụng rất nhiều hóa chất, linh kiện độc hại”, bà Ngà nói.
Phải công khai danh mục hóa chất

Việt Nam là một nước đang có sự phát triển nhanh cả về số lượng và quy mô các nhà máy điện tử. Hiện, cả nước có hơn 500 nhà máy, công ty điện tử và 2/3 trong số đó là các công ty có vốn đầu tư nước ngoài, 3/4 công nhân tại các công ty là nữ. Việc phát triển ngành lắp ráp điện tử đã có những đóng góp tích cực trong giải quyết việc làm cho lao động, nhất là lao động phổ thông khu vực nông thôn và góp phần tăng trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo...

Để Việt Nam phát triển một nền công nghiệp điện tử an toàn, bền vững, các chuyên gia đều nhất trí cho rằng cần phải tập trung đánh giá, nghiên cứu toàn diện về an toàn, vệ sinh lao động trong ngành điện tử của Việt Nam hiện nay. Đồng thời rà soát, hoàn thiện các văn bản pháp luật về tiêu chuẩn an toàn lao động trong ngành điện tử. Đặc biệt, các doanh nghiệp phải công khai hóa các loại hóa chất được sử dụng trong sản xuất, nhằm đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của người lao động.

Bà Ngô Vân Hoài cho rằng, nên sớm xem xét rà soát để đưa nghề sản xuất, lắp ráp điện tử vào danh mục nghề, công việc nặng nhọc độc hại nguy hiểm do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế ban hành.

Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục là địa điểm thu hút đầu tư của nhiều tập đoàn điện tử lớn trên thế giới. Vì vậy làm thế nào để Việt Nam phát triển một nền "công nghiệp điện tử an toàn, bền vững” đòi hỏi sự tham gia của các doanh nghiệp, người lao động và các cơ quan chức năng. Ngoài ra cần trang bị thêm cho công nhân giày bảo hộ cao cấp chống tĩnh điện phía dưới và chống trơn trượt trong nhà xưởng.

0 Bình luận:

Đăng nhận xét