Theo đó, trong năm 2016 này, chiến lược mới của nhiều doanh nghiệp dệt may hiện nay đó là: tập trung mọi nguồn lực, dồn vốn lại cho đầu tư để mở rộng quy trình sản xuất, tận dụng tối đa thị trường xuất khẩu ra các nước,….
Mùa Đại hội cổ đông năm nay, Tổng công ty cổ phần Dệt may Đồng Nai (Donagamex) dự kiến sẽ giảm mức chi trả cổ tức từ 30% xuống còn 20%, để dồn vốn đầu tư mở rộng quy mô một số nhà máy trọng điểm.
Chủ tịch HĐQT Donagamex Bùi Thế Kích cho hay, Tổng công ty dự tính tập trung vốn đầu tư Cụm công nghiệp Hưng Lộc - cụm công nghiệp chuyên về dệt may, diện tích hơn 40 ha, nên kế hoạch chia cổ tức thấp nhất bằng 20%, xấp xỉ 12 tỷ đồng, nếu dùng để đầu tư cho sản xuất thuận lợi hơn thì sẽ điều chỉnh sau.
Tổng công ty cổ phần Dệt may Đồng Nai
Ngoài Cụm công nghiệp Hưng Lộc là trọng điểm đầu tư trong năm 2016, còn có thêm 3 dự án nữa thuộc diện được đầu tư mở rộng, gồm: Dự án mở rộng đất đai, nhà xưởng cho Công ty cổ phần May Định Quán, đầu tư phát triển mở rộng sản xuất tại Công ty cổ phần Đông Bình và Công ty Đồng Phước, nhằm tận dụng tối đa lợi thế về mặt bằng và nguồn lực tại chỗ.
“Chúng tôi xác định, năm 2016 là năm mang lại thời cơ để Tổng công ty phát huy thế mạnh, phát triển sản xuất, kinh doanh thông qua hoạt động đầu tư. Các thị trường lớn gồm Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản và Hàn Quốc đang gia tăng đặt hàng từ Tổng công ty, nên hoạt động đầu tư sẽ không thể chậm trễ hơn”, ông Kích cho biết thêm.
Một trong những doanh nghiệp đình đám về sợi trong ngành dệt may là Công ty cổ phần Sợi Thế Kỷ cũng công bố mức chi cho đầu tư “bạo tay” trong năm 2016 với Dự án Trảng Bàng 4, nhằm gia tăng công suất.
Theo dự kiến, thiết bị cho Nhà máy Trảng Bàng 4 sẽ được lắp đặt từ quý II/2016 và đi vào hoạt động từ quý I/2017, điều này dự kiến sẽ làm tăng thêm công suất 8.000 tấn, nâng tổng công suất của Công ty lên 60.000 tấn/năm.
Được biết, tổng mức đầu tư dự án này là 274 tỷ đồng, chỉ dành để mua máy móc thiết bị vì không cần phải xây nhà xưởng (máy móc sẽ được đặt trong diện tích nhà xưởng còn trống của Dự án Trảng Bàng 3).
Bức tranh về hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp dệt may trong nước từ đầu năm 2016 được Hiệp hội Dệt May Việt Nam nhận định là sôi động, từ các doanh nghiệp quy mô nhỏ, tới doanh nghiệp lớn.
Ngay trung tuần tháng 3/2016, một dự án dệt, nhuộm, may của Công ty TNHH May thêu Thuận Phương (xã Long Cang, huyện Cần Đước, tỉnh Long An), trên diện tích 30 ha đã được khởi công xây dựng, với số vốn cho giai đoạn I lên tới 600 tỷ đồng.
Giai đoạn I của Nhà máy gồm 2 xưởng may, 1 xưởng wash và 1 tổng kho, chuyên sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm may mặc, thêu, in, wash theo quy trình công nghệ khép kín, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu.
Nhà máy Thuận Phương được đầu tư trang thiết bị, máy móc đồng bộ, hiện đại, tự động hoá cao và tiết kiệm nguyên vật liệu, thân thiện với môi trường.
Trong đó, xưởng may áp dụng quy trình sản xuất tinh gọn: “Lean Manufacturing”, giúp kiểm soát chặt chẽ chất lượng ở từng thao tác, công đoạn, hợp lý hoá sản xuất, nâng cao năng suất, rút ngắn thời gian sản xuất và giao hàng. Xưởng wash áp dụng công nghệ tiên tiến Biostonewash “Giặt đá sinh học”, dùng enzyme để loại bỏ hồ vải và cặn khỏi vật liệu thô, tiết kiệm nước.
Theo ông Mai Đức Thuận, Tổng giám đốc Công ty Thuận Phương, giai đoạn I của Dự án sẽ được Công ty sớm hoàn thành và đưa vào hoạt động cuối năm 2016. Ngay sau khi hoàn thành giai đoạn I, Công ty sẽ cân đối vốn để đầu tư tiếp giai đoạn II, với tổng vốn đầu tư 1.300 - 1.400 tỷ đồng, để mở rộng quy mô sản xuất lên khoảng 10.000 lao động.
Thế Hoàng – báo đầu tư
0 Bình luận:
Đăng nhận xét