Bảo Hộ Thiên Bằng

Thứ Ba, 1 tháng 9, 2015

Chủ động ngừa tai nạn lao động, bảo vệ người lao động và các doanh nghiệp

12 

Tuần lễ quốc gia An toàn vệ sinh lao động - phòng chống cháy nổ lần thứ 17 năm 2015 với chủ đề “Mỗi doanh nghiệp, người lao động chủ động các biện pháp phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và cháy nổ để bảo vệ chính mình, doanh nghiệp và xã hội” sẽ diễn ra từ ngày 15- 21/3 trên phạm vi cả nước.

Nhân dịp này, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Tuần lễ quốc gia An toàn vệ sinh lao động - Phòng chống cháy nổ Trung ương về tình hình tai nạn lao động trong năm qua và một số giải pháp chủ yếu nhằm chủ động ngăn ngừa sự cố và tai nạn lao động trong thời gian tới.

13


- Thứ trưởng có thể điểm lại một số thông tin đáng chú ý về tình hình tai nạn lao động trong năm 2014?

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp:
Theo báo cáo của 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, năm 2014, toàn quốc đã xảy ra trên 6.700 vụ tai nạn lao động làm hơn 6.940 người bị nạn, trong đó có 592 vụ tai nạn lao động chết người, làm 630 người chết.

Đồng Nai là địa phương có số vụ tai nạn lao động nhiều nhất với 1.462 vụ; thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có số vụ tai nạn lao động chết người cao nhất cả nước (100 vụ). Một số địa phương khác xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động chết người như Hà Nội (33 vụ), Bình Dương (31 vụ), Quảng Ninh (31 vụ), Hải Dương (23 vụ)...

Theo 63 Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, năm 2014, khu vực có quan hệ lao động trên toàn quốc đã xảy ra 592 vụ tai nạn lao động chết người, nhưng đến đầu tháng 2/2015, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội mới nhận được 202 biên bản điều tra (224 người chết).

Trong đó, lĩnh vực sản xuất kinh doanh xảy ra tai nạn lao động chết người nhiều nhất là xây dựng (chiếm 33,1% tổng số vụ tai nạn và 33,9% tổng số người chết); khai thác khoáng sản (chiếm 11% tổng số vụ và 12% tổng số người chết); dịch vụ (chiếm 9,4% tổng số vụ và 8,5% tổng số người chết)...

Các yếu tố chấn thương chủ yếu làm chết người nhiều nhất là ngã từ trên cao, điện giật, vật rơi, đổ sập...

Ngoài một số vụ tai nạn lao động nghiêm trọng làm chết nhiều người đang trong quá trình điều tra nên chưa có hình thức xử lý, có 3 vụ được chuyển hồ sơ sang Viện kiểm sát để đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự và khởi tố các cá nhân có liên quan, trong đó có 2 vụ đã khởi tố.

- Thứ trưởng có thể cho biết một số hoạt động nhân Tuần lễ quốc gia An toàn vệ sinh lao động-Phòng chống cháy nổ năm nay?

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp:
Với tinh thần đổi mới, tiết kiệm và hiệu quả, Tuần lễ quốc gia An toàn vệ sinh lao động-phòng chống cháy nổ lần thứ 17 nhằm kêu gọi những người sử dụng lao động, người lao động và toàn xã hội cùng chung sức, cùng suy nghĩ và hành động để thực hiện tốt công tác an toàn-vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ, góp phần làm giảm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và sự cố cháy nổ, bảo vệ nguồn nhân lực để doanh nghiệp phát triển bền vững.

Trước, trong và sau Tuần lễ, các hoạt động về thanh tra, kiểm tra an toàn vệ sinh lao động-phòng chống cháy nổ được tăng cường. Nhiều hội thảo, hội nghị được tổ chức nhằm tiếp tục tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi người lao động và doanh nghiệp trong việc đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ.

Sau Tuần lễ, các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo sâu sát hơn đến tất cả các doanh nghiệp, người lao động, góp phần nâng cao ý thức cho mọi người bởi công tác an toàn lao động cần thực hiện trong cả năm chứ không phải chỉ trong một tuần lễ.

- Thưa Thứ trưởng, tại sao Tuần lễ quốc gia An toàn vệ sinh lao động-phòng chống cháy nổ năm nào cũng được phát động và tổ chức trong toàn quốc nhưng tình trạng mất an toàn lao động vẫn diễn ra ở nhiều nơi? Phải chăng, đây chỉ là cách làm theo phong trào, hình thức? Con số được Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội công bố liệu đã đúng về thực trạng an toàn lao động của Việt Nam?

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp:
Tất cả mọi người đều mong muốn xây dựng được văn hóa an toàn vệ sinh lao động trong các khu vực, nhưng thực hiện được mong muốn này thành nhận thức của người sử dụng lao động, người lao động dường như còn chậm.

Theo thống kê, có tới 72,7% vụ việc mất an toàn lao động là do người sử dụng lao động không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn; không huấn luyện an toàn lao động cho người lao động... Như vậy, ý thức của người sử dụng lao động chưa cao.

Bên cạnh đó, lỗi của người lao động chiếm tới 13,4%. Nếu nói rằng chỉ làm theo hình thức là chưa đúng bởi năm qua, một số mục tiêu của công tác an toàn vệ sinh lao động đã đạt được, tạo được sự chuyển biến đáng kể.

Tuy nhiên, mỗi người trong chúng ta đều hết sức đau lòng mỗi khi xảy ra một vụ tai nạn lao động, có thêm một người chết vì tai nạn lao động. Điều này đòi hỏi các cấp chính quyền, công đoàn, người sử dụng lao động, người lao động cần có ý thức hơn trong việc phòng ngừa, giảm thiểu tai nạn lao động, phòng chống cháy nổ.

Các con số được công bố dường như vẫn thấp hơn so với thực tế. Nguyên nhân của việc này là do chế độ thông tin báo cáo chưa được tuân thủ nghiêm túc. Trách nhiệm của người sử dụng lao động, các cấp chính quyền khi có tai nạn lao động xảy ra chưa được quy định một cách nghiêm túc trong tất cả các văn bản quy phạm pháp luật.

Dự án Luật An toàn vệ sinh lao động đang được Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội xây dựng (dự kiến trình ra Quốc hội khóa 13 tại kỳ họp thứ 9) đã đưa ra quy định về trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương, người sử dụng lao động, các cơ quan thanh tra lao động, công đoàn khi có tai nạn lao động xảy ra. Những quy định cụ thể này sẽ giúp việc thống kê tình hình tai nạn lao động chính xác hơn.

- Theo Thứ trưởng, nhằm góp phần giảm thiểu tai nạn lao động, những giải pháp cần được triển khai trong thời gian tới là gì?

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp: Có rất nhiều giải pháp nhưng việc đầu tiên là cần nâng cao ý thức của người sử dụng lao động, người lao động trong việc tuân thủ các quy định, quy chuẩn an toàn vệ sinh lao động. Muốn làm được điều đó trước hết cần triển khai tốt công tác huấn luyện.

Người sử dụng lao động cần được đào tạo qua các khóa huấn luyện (ngắn ngày hoặc dài ngày) để hiểu các quy định xung quanh công tác an toàn vệ sinh lao động; tổ chức được bộ phận chuyên làm công tác an toàn vệ sinh lao động; tuyên truyền, giáo dục người lao động tuân thủ tất cả các quy định về an toàn vệ sinh lao động, sử dụng các dụng cụ, phương tiện về bảo hộ lao động như quần áo bảo hộ, dây an toàn, hay mũ bảo hộ lao động để bảo vệ an toàn cho chính họ, sau đó là bảo đảm an toàn cho doanh nghiệp bởi bất kỳ vụ tai nạn lao động nào đều gây ra thiệt hại cho doanh nghiệp, người lao động và gia đình của họ.

Bên cạnh đó, các cấp, các ngành cần tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ. Thanh, kiểm tra không chỉ có nghĩa là xử phạt mà còn có trách nhiệm nhắc nhở các doanh nghiệp tuân thủ tốt hơn các quy định về an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ. Làm được điều này, công tác phòng ngừa tai nạn chết người, bệnh nghề nghiệp, phòng chống cháy nổ mới có thể thành công.

- Dự kiến, trong năm 2015, Quốc hội sẽ thông qua Luật An toàn vệ sinh lao động. Việc ra đời của Luật này được kỳ vọng như thế nào trong việc giảm thiểu an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp: Dự án Luật An toàn vệ sinh lao động dự kiến sẽ được trình Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 13. Dự án Luật có một số điểm mới đáng chú ý, như mở rộng đối tượng: ngoài đối tượng có quan hệ lao động, bổ sung thêm nhóm người làm việc trong khu vực phi kết cấu, không có quan hệ lao động; quy định rõ hơn trách nhiệm của người sử dụng, người lao động và đặc biệt là trách nhiệm của công đoàn khi xảy ra tai nạn lao động.

Đối với mỗi vụ tai nạn lao động, công đoàn đều có quyền yêu cầu người sử dụng lao động lập hồ sơ, biên bản, điều tra và kết luận; trách nhiệm của người sử dụng lao động, chính quyền cấp xã, phường nơi doanh nghiệp đóng khi xảy ra các vụ tai nạn lao động phải lập biên bản, báo cáo.

Bên cạnh đó, dự án Luật cũng thiết kế một số chính sách đối với người bị tai nạn lao động và người mắc bệnh nghề nghiệp nhằm hỗ trợ họ có thêm khoản thu nhập thay thế khi bị tai nạn, bị mất sức lao động; quy định rõ trách nhiệm của người sử dụng lao động... Hy vọng với sự ra đời của dự án Luật sẽ góp phần giúp số liệu thống kê, báo cáo về tai nạn lao động đầy đủ hơn./. Ngoài ra cần có thêm giày bảo hộ lao động cho các công nhân công trường xây dựng.

0 Bình luận:

Đăng nhận xét