Chủ đề “Suy nghĩ và hành động vì mục tiêu không tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, cháy nổ tại nơi làm việc” đưa ra tại Tuần lễ Quốc gia về an toàn vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ lần thứ 16 chính là mục tiêu mà các doanh nghiệp và toàn xã hội đang hướng tới.
Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội vừa chính thức phát động Tuần lễ Quốc gia về an toàn vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ lần thứ 16. Không phải ngẫu nhiên mà chủ đề của Tuần lễ năm nay được lựa chọn là “Suy nghĩ và hành động vì mục tiêu không tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, cháy nổ tại nơi làm việc”. Thực tế đã chỉ ra rằng, bệnh nghề nghiệp đang là nỗi lo của nhiều công nhân khi làm việc trong môi trường không đáp ứng đủ điều kiện an toàn vệ sinh lao động.Có thể thấy thời gian qua, số vụ tai nạn lao động, số vụ cháy nổ liên tục xảy ra ở nơi này nơi khác, gây nhiều lo lắng cho người dân. Đặc biệt, tình trạng mắc các bệnh nghề nghiệp đang ngày càng gia tăng đến mức đáng lo ngại cả về số người mắc bệnh và loại bệnh.
Làm việc trong những môi trường trên cao cần trang bị đầy đủ quần áo bảo hộ, dây an toàn hay mũ bảo hộ lao động.
Theo thông tin từ Cục Quản lý Môi trường y tế (Bộ Y tế), tính đến hết năm 2013, tổng số trường hợp mắc bệnh nghề nghiệp là gần 28.000 trường hợp. Quả là một con số không hề nhỏ. Trong số này, bệnh bụi phổi là phổ biến nhất- chiếm tới 74% số ca,tiếp đó là điếc do tiếng ồn chiếm 17%.
Một thông tin đáng lo ngại khác mà Tổ chức Lao động Quốc tế đưa ra là, trong số hơn 2,3 triệu người chết mỗi năm liên quan tới lao động thì có tới hơn 2 triệu người chết có nguyên nhân từ bệnh nghề nghiệp. Con số này tương đương với khoảng 5.500 người chết/ngày.
Tổ chức Lao động Quốc tế cũng đã ban hành danh mục 54 nhóm bệnh nghề nghiệp, riêng ở Pháp có 88 bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm, Trung Quốc có 102, nhưng ở Việt Nam lại chỉ có 28 bệnh nghề nghiệp được Bộ Y tế công nhận. Điều này có nghĩa là danh mục bệnh nghề nghiệp ở Việt Nam còn phải bổ sung rất nhiều. Hay nói một cách khác, sức khỏe của rất nhiều công nhân ở Việt Nam còn chưa được quan tâm đúng mức.
Điều mà nhiều chuyên gia, những người hoạt động trong ngành lao động, thương binh, xã hội lo lắng là hiện nay, môi trường lao động đang bị lãng quên. Vẫn còn một số lượng lớn các doanh nghiệp không thực hiện việc đo kiểm môi trường lao động. Theo quy định, các doanh nghiệp phải tổ chức khám bệnh nghề nghiệp cho công nhân 6/lần hoặc 1 năm/lần. Tuy nhiên, tỷ lệ đơn vị thực hiện việc này là quá thấp, chủ yếu là để người lao động “tự bơi”. Hiện nay, ở Việt Nam mới chỉ có khoảng 4% người lao động được khám bệnh.
Như vậy, điều kiện làm việc không đảm bảo, sự quan tâm không đúng mức của các chủ doanh nghiệp nếu không muốn nói là sự cố tình không quan tâm của các chủ doanh nghiệp là những nguyên nhân chính dẫn đến số bệnh nghề nghiệp liên tục gia tăng.
Có một thực tế đang tồn tại là vì miếng cơm manh áo, vì để có công ăn việc làm, nhiều người lao động đành chấp nhận làm việc trong những điều kiện không đảm bảo, không được khám sức khỏe định kỳ. Nhưng rõ ràng, chúng ta không thể chấp nhận cảnh người lao động phải đánh đổi sức khỏe để kiếm sống, bởi bệnh nghề nghiêp đã và đang tạo ra gánh nặng rất lớn cho xã hội.
Chỉ xin được khẳng định rằng, cái giá lớn nhất của bệnh nghề nghiệp chính là mạng sống con người. Bệnh nghề nghiệp làm bần cùng hóa người lao động và gia đình họ, ảnh hưởng tới cả cộng đồng khi mất đi những lao động có năng suất cao nhất.
Theo ước tính của Tổ chức Lao động thế giới, tai nạn nghề nghiệp và các bệnh liên quan gây ra thiệt hại khoảng 4% GDP toàn cầu, tương đương với 2.800 tỷ USD/năm.
Giảm thiểu bệnh nghề nghiệp là công việc không đơn giản và không thể thực hiện một sớm, một chiều, nhưng cải thiện tình trạng này là điều hoàn toàn có thể làm được. Đưa ra những mục tiêu rõ ràng về an toàn vệ sinh lao động; một lộ trình cụ thể là điều hết sức quan trọng. Và điều cần nhất là sự chung tay hành đồng của cả cộng đồng để khắc phục vấn nạn này, tạo ra những tiến bộ cụ thể, góp phần tạo nên những việc làm bền vững.
0 Bình luận:
Đăng nhận xét