Bảo Hộ Thiên Bằng

Thứ Tư, 26 tháng 8, 2015

Nỗi niềm chưa có hướng của người thợ xây dựng

Công việc nặng nhọc, vất vả, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng nhưng vì mưu sinh, những người thợ xây vẫn chấp nhận gắn bó với nghề

Đối diện khu nhà trọ của chúng tôi ở quận Gò Vấp, TP HCM là dãy lán trại của một số công nhân (CN) xây dựng. Mấy hôm nay tự dưng thấy vắng vẻ hẳn, tôi hỏi anh Công, quê ở Bến Tre: “Sao không thấy vợ anh với 2 đứa nhỏ?”. Công cho biết sắp tới ngày tựu trường nên vợ anh phải đưa con về quê gửi cho ông bà nội để đi học. Không riêng gì anh Công mà rất nhiều CN xây dựng cũng phải sống xa gia đình, xa vợ con như vậy.
Sống đời “du mục”

Dãy lán trại của anh em CN là mấy cái chòi xập xệ được dựng tạm bợ cạnh công trình. Không điện, không nước; có tấm ván gỗ thì ban ngày làm bàn ăn, đến tối là giường ngủ. Mỗi khi có nhu cầu tắm rửa, vệ sinh cá nhân, họ phải đi nhờ nhà dân gần đó hoặc ra nhà vệ sinh công cộng.





Tiền công thợ chính mỗi ngày chỉ khoảng hơn 250.000 đồng. Mướn nhà trọ thì tốn kém quá nên tụi tôi phải dựng chòi ở để tiết kiệm” - anh Long, thợ chính một công trình xây dựng, cho biết.



Chỗ sinh hoạt chật hẹp, bất tiện nên nhiều thợ xây buộc phải ăn uống ngoài hàng quán vì không có nơi nấu nướng. Đưa tôi xem hộp cơm đạm bạc với cá biển chiên và vài lát dưa leo, anh thợ tên Sơn thành thật: “Ăn riết ngán lắm nhưng tiền đâu mà ăn mấy thứ ngon? Bây giờ em ăn lấy no thôi chứ không còn biết ngon nữa!”.
Mỗi công trình tùy quy mô lớn nhỏ mà thời gian xây dựng kéo dài từ vài tháng đến vài năm. Đó cũng là khoảng thời gian mà người thợ xây phải xa nhà, sống trong cảnh thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần. Anh Hùng - quê Quảng Ngãi, đang làm ở một công trình xây dựng tại quận Bình Tân, TP HCM - tâm sự: “Bữa nào mưa, ngồi ăn cơm mà nhìn ra ngoài trời là nhớ vợ con đến nỗi nuốt không vô”.

Đổ mồ hôi đổi miếng ăn

“Làm nghề thợ xây khổ lắm! Thợ phụ như em còn cực hơn, trộn hồ, khuân vữa, vác xi măng… việc gì cũng làm hết. Cả ngày xách hồ lên xuống cầu thang mệt đứt hơi mà nhiều khi còn bị chủ la mắng” - Sơn, 19 tuổi, thợ phụ một công trình tại quận 7, TP HCM, bộc bạch. Tuy làm việc vất vả nhưng lương thợ phụ của Sơn chỉ từ 170.000 đồng đến 200.000 đồng mỗi ngày.

Nghề thợ xây nặng nhọc tưởng chỉ hợp với đàn ông nhưng tại nhiều công trình, chúng tôi bắt gặp không ít bóng dáng phụ nữ. Đa số họ là vợ của những thợ chính, theo chồng đến công trình làm để kiếm thêm thu nhập. Công việc của các chị thường là khuân vữa, nhổ đinh, trộn hồ... Trên công trường, họ cũng tay xúc cát, tay trộn hồ, làm quần quật chẳng kém ai.

Tại một công trình ở quận 2, TP HCM, hơn 12 giờ, giữa cái nắng đổ lửa, hàng chục CN vẫn miệt mài làm việc. Tiếng ồn ào từ dàn máy khoan, máy trộn át hẳn tiếng người. Bụi bẩn từ các đống xi măng, cát, đá bay lên bám trắng những tấm quần áo bảo hộ lao động màu xanh. Trên tầng 3 công trình, một nhóm 4 CN đang ốp gạch. Không hề có dây bảo hộ, họ phải men theo những khung sắt từ giàn giáo để di chuyển.
Lau mồ hôi và bụi bám trên khuôn mặt đỏ ửng vì nắng nóng, anh Quang, quê Bến Tre, cho biết: “Làm việc giữa trưa rất dễ bị say nắng, ngất xỉu. Biết là nguy hiểm nhưng anh em phải ráng để đúng thời gian giao công trình cho người ta”.

Nguy cơ tiềm ẩn

Theo thống kê của Sở LĐ-TB-XH TP HCM, xây dựng là ngành nghề xảy ra số vụ tai nạn lao động nhiều nhất trong những năm qua. Thế nhưng, công tác bảo hộ lao động cũng như chế độ chính sách đối với CN xây dựng hầu như còn bỏ ngỏ.

Mới đây, khi ghé công trình thi công ở một khu quy hoạch tại quận Gò Vấp, đập vào mắt chúng tôi là những giàn giáo chông chênh, những cuộn dây điện trần nằm ngổn ngang cùng vô số đinh, vít rơi vãi khắp mặt sàn. Giữa nắng trưa oi ả, những người thợ cởi trần, không mũ bảo hộ lao động vật lộn với các chiếc máy trộn, máy xúc. Ở tầng 4, thợ sơn đứng làm việc trên giàn giáo lót sơ sài bằng những miếng ván mỏng. Chênh vênh giữa trời nhưng không ai có dụng cụ bảo hộ.

Khi chúng tôi hỏi tại sao không sử dụng dụng cụ bảo hộ lao động, anh Thắng - thợ cốp-pha, quê Bình Thuận - giải thích: “Anh em ít khi đội mũ, đeo găng. Đội vào vướng víu, khó làm việc lắm!”. Bên cạnh sự chủ quan của người lao động, các chủ thầu cũng thiếu quan tâm bảo đảm an toàn cho thợ. Không mang giày bảo hộ lao động, tai nạn thường xảy ra với thợ xây, nhẹ thì giẫm đinh vít, nặng thì bị gạch rơi trúng, điện giật, sập giàn giáo…

Anh Lâm - 35 tuổi, quê Đồng Tháp - 3 năm nay phải “gác bay” vì bị ngã từ giàn giáo khi xây dựng một căn biệt thự ở quận 2. Từ chỗ là lao động chính, giờ anh phải ở nhà lo cơm nước và chăm sóc con nhỏ cho vợ đi làm. Nhắc chuyện cũ, anh chua xót: “Coi như mình gặp may, còn sống với vợ con nhưng nhiều khi thấy vợ vất vả, tôi lại tự trách mình đã không cẩn thận”.

0 Bình luận:

Đăng nhận xét